LH ĐỂ TƯ VẤN & ĐẶT HÀNG: 0968 804 620
CÁCH TRỒNG CHĂM SÓC CÂY CHANH KHÔNG HẠT
Cây chanh không hạt, là một loại cây ăn quả có múi. Nó có nhiều công dụng, nhiều lợi ích trong cuộc sống thường ngày. Giống chanh không hạt là loài cây nhỏ, thuộc họ Cửu lý hương.
Cây cao từ 1 – 3 m, thường mọc xòe, tán rộng, thân có gai, lá hình trứng có mép răng cưa. Hoa chanh màu trắng ngả vàng,có gân màu tím nhạt, nở theo từng chùm.
Quả chanh khi chín có màu xanh hoặc vàng, thịt quả có vị chua.. Gần như tất cả các bộ phận của cây chanh đều mang một mùi thơm rất đặc trưng và khá đa dạng về chủng loại.
Chanh không hạt cho trái quanh năm, nên còn gọi là chanh tứ quý có thể cho năng suất quả 150 – 200 kg/năm/cây.
1.Đặc điểm sinh thái
Cây có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất là đất thịt tơi xốp và nhiều mùn.
Giống chanh không hạt có sức kháng bệnh rất mạnh. Cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt năng suất,chất lượng cao cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Đất trồng chanh nên có độ pH từ 5.0 – 6.5. Đất thịt giàu mùn hoặc đất thịt pha, tầng canh tác 0,5 – 1m, thoát nước tốt. Không bị ngập úng, lượng mưa trung bình trong năm 1500mm, phân bổ đều.
2.Chọn giống
Cần chọn giống chanh không hạt khỏe mạnh, lá xanh tốt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Cây giống cần mua tại điểm bán cây giống uy tín. Chanh có thể nhân giống bằng chiết cành hoặc ghép
3.Thời vụ và Mật độ trổng:
– Chanh không hạt có thể trồng quanh năm, đặc biệt là vụ đông xuân trồng vào tháng 2 – 3, vụ thu đông trồng từ tháng 8 – 10.
Chanh không hạt trồng với khoảng cách 2,5 x 3m là thích hợp nhất. Mỗi hecta trồng khoảng 1000 cây.
4.Đất trồng
Phải xử lý đất trước khi trồng. Cày xới và phơi ải để giảm những tàn dư của sâu bệnh, giúp đất được tơi xốp. Đối với chanh thì phải đào hố trồng trước ít nhất 1 tháng. Hố đào có đường kính rộng 60 – 80 cm, độ sâu thì tùy theo chất đất.
Nếu đất đồi thì sâu 60 – 80 cm, làm mô cao 0,3 – 0,8 m, rộng 0,8 – 1 m, nếu là đất bằng phẳng thì phải có đê bao khép kín, hố sâu 30 – 40 cm, đất thấp thì đắp mô cao 0,5 – 0,6 m, rộng 0,8 – 1 m.
Trước khi trồng cần tưới nước cho đất đủ ẩm, và có chuẩn bị các kênh rạch cũng như hệ thống thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp thì phải có đê bao khép kín.
5.Cách trồng
Việc chuẩn bị hố trồng cần tiến hành trước khi trồng khoảng 1 tháng. Hố có kích thước 60cm (Dài x rộng x cao). Mỗi hố bón 30-40kg phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh) + 300g phân lân + 100g kali. Tiến hành kiểm tra độ ph của đất và điều chỉnh bằng cách bổ sung thêm vôi bội. Ở vùng trũng có thể đắp mô đào mương, tránh để cây bị ngập úng.
Trộn đều phân vào đất, lấp hố, tưới đẫm nước để 1 tháng, khi trồng dùng cuốc đào một lỗ lớn hơn bầu ươm một chút.
– Những cây con đạt chuẩn để trồng thì cao từ 50 – 70 cm. Rạch bầu và đặt cây nghiêng.
Nếu là nhánh chiết nên đặt nghiêng đối với cây chiết ít nhánh, giúp các đọt bên mọc lên để tạo tán. Cắm cọc để buột thân cây cho gió khỏi lay làm đổ cây. Nếu là cây ghép xoay mắt ghép về hướng gió chính, lấp đất ngang cổ rễ hoặc cao hơn 1– 2 cm, tránh làm vỡ bầu hay lấp đất quá sâu.
Sau khi đặt cây thì cắm cọc để buộc thân cây cho gió khỏi lay ngã cây. Lấp đất ngang cổ rễ hoặc cao hơn 1 – 2 cm, tránh làm vỡ bầu hay lấp đất quá sâu. Chú ý là không để cây quá nghiêng, và khi lấp đất phải nện đất cho thật chắc để đảm bảo cây đứng vững.
6.Cắt tỉa cành
So với các giống cây có múi khác như bưởi da xanh, cam sành, quýt đường… chanh không hạt có vóc dáng nhỏ hơn. Khoảng cách trồng 3m tương đối rộng, nên để cây phát triển tự nhiên, tạo tán tỏa đều quanh gốc. Khi cây hồi phục sau khi trồng (khoảng 1-2 tháng) tiến hành hãm ngọn, nuôi 5-7 chồi khỏe mạnh phân bổ đều. Ở giai đoạn cây trưởng thành, nên cắt bỏ các cành già cỗi, cành gãy, cành bị sâu đục thân…
7.Bón Phân
So với cây cùng họ như cam, bưởi thì chanh là loại cây nhạy cảm nhất với phân bón và các chất hóa học. Bà con không nên bón quá thừa, cây sẽ dễ bị ngộ độc và nên bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón mà bà con sử dụng.
Giai đoạn cây con (năm đầu tiên): Lượng phân trong hố trồng còn dồi dào, chỉ cần bón thúc bằng phân đạm pha loãng (1%) mỗi lần tưới cách nhau 20-25 ngày.
Giai đoạn kiến thiết (năm thứ 2): Cần bón mỗi cây với liều lượng như sau 30kg phân chuồng + 150g ure + 150 kali + 300g lân. Chia làm 4 đợt
Đợt 1: Tháng 11 DL – Bón 100% phân chuồng + 100% lân
Đợt 2: Tháng 1-3 DL – Bón 40% lượng ure + 40% lượng kali
Đợt 3: Tháng 5-6 DL – Bón 30% lượng ure + 30% lượng kali
Đợt 4: Tháng 7-8 DL – Bón 30% lượng ure và kali còn lại
Giai đoạn kinh doanh (năm thứ 3 trở đi) Tăng lượng phân lên 30-40kg phân chuồng + 500g ure + 500g kali + 500g phân lân. Cũng chia làm 4 đợt và tỷ lệ bón như giai đoạn kiến thiết.
Cách bón phân
Phân lân và phân chuồng trộn đều, đào rãnh quanh gốc (sâu 15-20cm, cách gốc 25-30cm) bỏ phân và lấp rãnh, có thể đánh rãnh 2 phía đối diện nhau, năm sau đổi sang 2 phía còn lại. Bón phân hóa học (Kali, Ure) cần lấp một lớp đất mỏng lên trên, bón theo hình chiếu tán cây. Khi bón phân nếu cần thiết phải tưới nước bổ sung để phân tan hết, tránh bị bay hơi.
Bên cạnh đó cũng cần bổ sung phân bón lá theo liều lượng khuyến cáo của sản phẩm, phun phân bón lá vào những ngày trời mát, không mưa. Mỗi năm phun 3-4 đợt để bổ sung vi lượng.